Doanh nghiệp du lịch bớt lo tiếp thanh tra

Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới sẽ không còn phải lo tiếp nhiều đoàn thanh tra khi chính quyền thành phố vừa chỉ đạo phải gom các hoạt động thanh tra, kiểm tra về một mối và phải được sự phê duyệt của lãnh đạo thành phố.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết đây là chỉ đạo chính thức của ủy ban về việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp ngành du lịch. Theo đó, các cơ quan không được tự đi kiểm tra riêng.

“Đề nghị các sở, ngành, quận, huyện trước khi thực hiện các hoạt động kiểm tra phải báo trước với thành phố. Tôi là người phê duyệt”, ông Tuyến phát biểu tại hội nghị triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chỉ thị của Thành ủy TPHCM về nhiệm vụ phát triển du lịch thành phố đến năm 2020, ngày 8-3.

Chỉ đạo này được phó chủ tịch thành phố đưa ra sau khi nghe những than phiền của doanh nghiệp về việc trong một năm, họ phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra từ nhiều sở ban ngành. Trong đó, có nhiều đợt kiểm tra có nội dung trùng lặp, làm doanh nghiệp tốn thời gian vô ích.

Ông Scott Hodgetts, Tổng giám đốc khách sạn Sheraton Saigon Hotel & Towers, cho biết vào năm ngoái, các cơ quan chức năng thực hiện đến 13 đợt thanh tra lớn, nhỏ tại khách sạn. Mỗi lần như vậy, doanh nghiệp lại phải chuẩn bị hồ sơ, bố trí thời gian làm việc mất rất nhiều thời gian. “Trung bình mỗi tháng chúng tôi có hơn một lần phải tiếp thanh tra. Chúng tôi mong rằng các đợt kiểm tra như thế này ít hơn, bớt các nội dung trùng lặp để chúng tôi dành thời gian cho hoạt động kinh doanh”, ông nói.

Hội nghị sáng nay do Thành ủy TPHCM tổ chức, với thành phần tham dự khá đa dạng, từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, đến cơ quan quản lý cấp sở, quận, huyện, đại diện trường học.

Phó bí thư Thành ủy Tất Thành Cang cho biết, đây là lần đầu tiên đổi mới cách triển khai nghị quyết. Thành ủy mời những nhà kinh doanh, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực du lịch đến thảo luận về việc làm thế nào để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sau hội nghị này, những ý kiến sẽ được tập hợp lại để thành phố tiếp thu, thực hiện chỉ đạo điều hành bằng việc ban hành kế hoạch phát triển du lịch TPHCM đến năm 2020.

Các doanh nghiệp đặt ra nhiều vấn đề về phát triển du lịch của thành phố. Riêng về du lịch là những hạn chế về sản phẩm, tiếp thị, nguồn nhân lực, chưa có chiến lược phát triển du lịch cho TPHCM. Với thành phố và các ngành liên quan là những khó khăn do giao thông khó khăn, chính sách, quy hoạch chưa tốt.

Trong đó, vấn đề về giao thông được nhiều doanh nghiệp nhắc đến như là một khó khăn và áp lực lớn khi tổ chức tour cho du khách tại thành phố, tác động xấu đến hoạt động du lịch.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng giao thông ở thành phố hiện rất kinh khủng, khách bị trễ chuyến bay rất nhiều. “Không thể tưởng tượng được khách đi tour mà bị khuyến cáo phải ra sân bay trước ba tiếng mới kịp. Thời gian di chuyển tốn nhiều hơn khiến thời gian đi tour của du khách ít đi. Nhiều người hỏi chúng tôi đến đây để tham quan gì”, ông nói.

Bà Dương Thanh Thủy, chủ của chuỗi mua sắm Miss Aodai, cũng có cùng nhận định, cho rằng không chỉ nạn kẹt xe mà những quy định về đậu xe du lịch đưa khách đến cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Khách du lịch thường đi xe 50 chỗ nhưng có nhiều tuyến đường không được phép đậu xe, đổ khách nên hướng dẫn viên không dám đưa khách đến mà có đưa thì cũng chỉ để khách hàng ở lại một chút rồi đi vì sợ kẹt xe. “Thay vì có thể mua sắm trong vòng 60 phút thì nay chỉ có 20 phút nên chẳng kịp làm gì, cả khách hàng lẫn doanh nghiệp đều bị thiệt”, bà nói.

Bà Thủy cho rằng để giải quyết điểm nghẽn này, thành phố nên thành lập trung tâm lớn, kinh doanh các dịch vụ mua sắm du lịch, kết hợp ẩm thực cùng các tiện ích như bãi đậu xe, cho du khách có một nơi tập trung để ghé đến mua sắm, ăn uống.

“Chúng tôi chỉ cần hành lang pháp lý và quỹ đất để đầu tư trung tâm như thế này. Có một trung tâm lớn, đủ dịch vụ, sản phẩm phong phú thì thành phố có thể có thêm 500-1.000 đô la Mỹ tiền mua sắm từ khách du lịch”, bà Thủy nói, và cho biết thêm mô hình trạm dừng du lịch, kết hợp mua sắm, ăn uống mà công ty đã thực hiện ở Tiền Giang đã đem lại hiệu qua kinh doanh tốt. Với diện tích 1 ha đất, trạm dừng đã mang về doanh thu 150 tỉ đồng/năm.

Xin cơ chế đặc thù

Trong số những vấn đề được doanh nghiệp đặt ra, có nhiều chuyện liên quan đến việc phát triển hệ thống cầu, cảng du lịch để phát triển du lịch đường sông và đưa du khách tàu biển nước ngoài đến. Thêm vào đó, có cơ chế nhập cảnh cho khách quốc tế cần phải thông thoáng hơn để kéo khách du lịch đến.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du Ngoạn Việt, cho rằng việc thiếu bến bãi và buộc tàu du lịch phải ra đậu ở cảng ở mũi Đèn Đỏ ở quận 7 thay vì ở bến Nhà Rồng, quận 1. Điều này là không nên vì làm du khách phải mất ít nhất 1 giờ để đi đến trung tâm thành phố. Kế hoạch xây những cây cầu thấp, cỡ 10 mét kết nối bờ sông Sài Gòn đến một số đô thị ở quận 2 cũng không nên, bởi sẽ hạn chế tàu du lịch, kể cả loại tàu nhỏ lưu thông.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng cảng Bạch Đằng đã có chủ trương của thành phố phát triển thành cảng du lịch trong tương lai. Mặc dù doanh nghiệp rất thích nhưng hiện tại không thể cho tàu neo đậu được. Tuy nhiên, thành phố sẽ khôi phục cầu cảng ở Vườn Kiểng để đón khách đi taxi và xe buýt đường thủy. Ngoài ra sẽ có thêm hai cầu cảng được xây dựng ở quận 4 và quận 7.

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM, đề nghị ông Tuyến xem lại việc cho tàu du lịch loại nhỏ đậu ở bến Nhà Rồng, cảng Sài Gòn. “Chúng ta có thể cấm tàu lớn nhưng tàu du lịch nhỏ đưa khách vào thì có nên đẩy ra ngoài kia hay không. Cái gì sửa được thì sửa”, ông nói.

Theo ông, thành phố nên mạnh dạn đề nghị những cơ chế, có thể là cơ chế đặc thù để phát triển du lịch. Chẳng hạn, liên quan đến việc nới lỏng thị thực (visa), thành phố có thể xin cơ chế đặc thù, cho những khách quốc tế vào du lịch TPHCM được miễn thị thực.

Vào năm ngoái, TPHCM đón 5,2 triệu lượt khách quốc tế và 21,8 triệu lượt khách du lịch trong nước. Tổng doanh thu du lịch đạt 103.000 tỉ đồng, tăng 9% so với năm 2015. Đến năm 2020, thành phố kỳ vọng đón 9-10 triệu lượt khách quốc tế, 30-32 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch khoảng 165.000-170.000 tỉ đồng.

Nguồn: Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt sưu tầm – Thủ tục thẻ tạm trú, Thủ tục giấy phép lao động

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top