“Tây Âu luôn là mục tiêu lớn trong suốt những năm qua của Việt Nam, nhưng việc thu hút vẫn còn thấp và chỉ đạt 11% so với tổng lượng khách vào Việt Nam trong năm”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (Vita), cho biết.
Nhằm khai thác hiệu qủa chính sách miễn thị thực cho khách du lịch đến từ 5 nước Tây Âu, Vita phối hợp với Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường hiệu quả xúc tiến du lịch tại thị trường Tây Âu”.
Số liệu của Tổng cục Thống kế cho thấy, trong 8 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch Tây Âu không những không tăng mà còn giảm 3% so với cùng kỳ năm 2014.
Ông Lê Tuấn Linh, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Du lịch Quốc tế Phượng Hoàng, cho biết tình trạng sụt giảm này là do hai nguyên nhân. Về khách quan, tình hình khủng hoảng kinh tế châu Âu chưa phục hồi, chỉ ở mức tăng trưởng âm hoặc chưa tới 1%, đặc biệt tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao. Đồng EUR mất giá so với đồng USD, trong khi giá tour của Việt Nam đều được tính ra USD nên tour đi Việt Nam trở nên không cạnh tranh.
Nguyên nhân chủ quan là sản phẩm du lịch Việt vẫn còn nghèo nàn, chủ yếu khai thác những cái đã có sẵn. Phần lớn các tour hút khách Tây Âu là tour du lịch khám phá, văn hóa nên khách thường chỉ đến một lần và không có nhu cầu quay lại. Những vấn đề khác gồm chất lượng dịch vụ thấp, giá cả lại cao, môi trường ô nhiễm, nạn chèo kéo, chặt chém, cướp giật vẫn chưa được cải thiện triệt để.
Ngoài ra, có một nguyên nhân khác khiến du lịch Việt vẫn trì trệ là thủ tục visa vẫn còn nhiêu khê. Từ ngày 1/7/2015, công dân Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý đã được áp dụng miễn thị thực 15 ngày khi nhập cảnh Việt Nam. Đây là một chính sách tích cực nhằm thu hút du khách Tây Âu, nhưng việc áp dụng chính sách này cũng đang thể hiện nhiều bất cập.
Các doanh nghiệp lữ hành mong muốn Chính phủ cùng các cơ quan liên quan có sự cởi mở hơn trong việc áp dụng miễn thị thực. Cụ thể, cần áp dụng thời gian miễn thị thực dài hơn 15 ngày để chính sách có thể tác động tốt đến thị trường và tạo sự bền vững trong phát triển du lịch.
Bên cạnh việc các doanh nghiệp du lịch cần biết kết hợp với nhau để gây ấn tượng và tạo tác động mạnh để thu hút du khách trở lại, theo ông Kai Partale, Chuyên gia Chương trình ESRT, việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam. Cụ thể là tham gia và xúc tiến du lịch Việt Nam tại các sự kiện trong nước hoặc tại các thị trường nguồn. Ngoài ra, việc tham gia chương trình marketing trực tuyến toàn cầu cho du lịch Việt hay xây dựng chiến lược truyền thông xã hội cho ngành du lịch tại thị trường Tây Âu cũng khá quan trọng.
Ánh Hoa
Nguồn: Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt Sưu tầm – Dịch vụ visa – Thủ tục làm hộ chiếu