Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 65/2012/NĐ-CP) quy định Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.
Nếu không thuộc các trường hợp nêu trên thì bạn không bị cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh được quy định cụ thể tại Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, để được nhập cảnh theo diện du học vào Nhật Bản, bạn phải tuân thủ quy định của nước này về các trường hợp được phép nhập cảnh. Trong đó, theo hướng dẫn của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, trường hợp ở Nhật quá 90 ngày hoặc làm những công việc với mục đích sinh lợi, đề nghị trước hết phải xin giấy chứng nhận đủ tư cách lưu trú ở Nhật Bản tại Cục quản lý xuất nhập cảnh địa phương Bộ tư pháp Nhật nơi gần nhất. Ngoài ra, đối với trường hợp du học, bạn phải có Giấy phép nhập học và xuất trình các giấy tờ khác theo yêu cầu của Đại Sứ Quán hoặc Bộ Ngoại Giao Nhật Bản.
Theo vietnamnet.vn
Nguồn: Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt Sưu tầm – dịch công chứng – làm hộ chiếu