Hậu quả từ việc săn quốc tịch Mỹ cho con khi sinh tại Mỹ

Fiona He không bao giờ ngờ tới cái kết đắng ngắt mà cô nhận được trong hành trình săn quốc tịch cho con.

Fiona He sinh con thứ hai, một bé trai, vào ngày 24/1/2015 tại bệnh viện Pomona Valley ở nam California. Các nhân viên bệnh viện rất thân thiện. Ca sinh nở không có gì phức tạp và đứa trẻ chào đời hoàn toàn khỏe mạnh.

He, công dân Trung Quốc, hài lòng rời bệnh viện và nghĩ mình đã có quyết định đúng khi tới Mỹ để sinh con. Cô tới Mỹ vào tháng 11/2014, với tư cách là khách hàng của USA Happy Baby, một trong số những công ty nổi tiếng trong việc đưa các bà bầu Trung Quốc tới Mỹ.

Giống như nhiều nơi khác, Happy Baby là một công ty hạng sang chuyên giúp phụ nữ nước ngoài thực hiện các thủ tục visa, chăm lo cho họ trước và sau sinh. He và chồng đã phải trả cho USA Happy Baby 50.000USD để sinh con ở Mỹ.

Có nhiều lý do khiến không ít phụ nữ Trung Quốc đổ xô tới Mỹ để sinh con. Không khí trong lành, các bác sĩ có tay nghề cao hơn, thuốc thang luôn sẵn sàng.

Thêm nữa, nhiều cặp đôi có thể lách chính sách một con của Trung Quốc, vì họ không phải khai sinh cho đứa trẻ với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, mục đích chính của phần đông những người tới Mỹ sinh con vẫn là đứa trẻ mới sinh sẽ có thể hồi hương với hộ chiếu Mỹ.

Theo Tu chính án số 14 của Mỹ, hầu hết những đứa trẻ chào đời trên đất Mỹ sẽ nghiễm nhiên là công dân nước này.

Sau khi sinh, He cũng có thời gian ở cữ như ở Trung Quốc. He cùng mẹ, con gái 2 tuổi sống ở Rancho Cucamonga, một thành phố cách Los Angeles hơn 50km.

Căn hộ của cô nằm trong một khu nhà có bể bơi, phòng tập thể dục, nhìn ra núi, do USA Happy Baby thuê hộ. Vú em cho He cũng do USA Happy Baby cung cấp. Món cháo gan và thịt lợn băm cùng đu đủ xanh cũng được USA Happy Baby cung cấp.

He luôn tin tưởng con trai mình sẽ có giấy khai sinh Mỹ, hộ chiếu, thẻ an sinh xã hội với sự hỗ trợ của USA Happy Baby.

Con gái của He cũng chào đời ở Mỹ. He và chồng, học ở Anh và xuất thân từ những gia đình giàu có, hy vọng sau này sẽ cho con học ở một trường quốc tế chỉ nhận học sinh nước ngoài ở Thượng Hải và khi lũ trẻ 21 tuổi, chúng sẽ xin thẻ xanh cho bố mẹ.

Mọi việc diễn ra suôn sẻ cho tới khi có 4 người đàn ông gõ cửa căn hộ của He vào ngày 23/2. Họ nói là thanh tra cứu hỏa và tới vì có người khiếu nại rằng ai đó nướng thịt ở ban công. Thực tế, He không nấu nướng gì. Sau đó, những người đàn ông trên hỏi danh tính của người lớn, rồi tới tuổi của lũ trẻ.

“Tôi cảm thấy thật kỳ quặc”, He nói. “Không rõ tại sao họ lại hỏi tuổi bọn nhỏ trong khi tới đây để hỏi về việc nướng thịt”. Sau đó, He gọi cho Phoebe Dong, người điều hành USA Happy Baby đang sống gần đó. “Tôi nói, tôi cảm thấy không an toàn, nhưng Dong cho biết, không có gì phải lo”.

Một tuần sau, 5 người đàn ông từ ban thanh tra an ninh nội địa, văn phòng cảnh sát trưởng và sở cứu hỏa có mặt. Kể từ đây, He bắt đầu gặp rắc rối. Theo luật Mỹ, việc tới nước này để sinh con là hợp pháp, song nói dối về mục đích chuyến đi lại là trái luật.

He bị chất vấn rằng tại sao lại bay từ Thượng Hải tới Las Vegas thay vì Los Angeles. He nói, bạn bè cảnh báo cô rằng nhân viên hải quan ở Los Angeles khó tính hơn. Các nhân viên an ninh tỏ ra không hài lòng với câu trả lời của cô. “Sau khi họ rời đi, tôi cảm thấy mình đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng”.

Sau cuộc đột kích trên, He và nhiều bà mẹ Trung Quốc giống cô được lệnh phải ở lại nam California cho tới khi tòa án liên bang ra quyết định họ có thể ra đi.

Ngày 7/4, Fiona He phải tới tòa án liên bang Riverside hôm 7/4. Một tuần sau đó, He cùng mẹ và hai đứa con bỏ trốn về Trung Quốc trên chuyến bay 586 của China Eastern Airlines.

Ngày 30/4, He chính thức trở thành kẻ chạy trốn. Tòa án Mỹ đã buộc tội He và 9 người khác cản trở luật pháp, coi thường tòa án, gian lận về thị thực. Tòa án đã ban lệnh truy nã He cùng những người khác.

Nguồn: Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt sưu tầm –Dịch tiếng Pháp, Gia hạn visa

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top